Chuẩn bị nguyên liệu
Khẩu phần cho 2 người sẽ gồm:
- Yến sào: 1 yến sào đã sơ chế hoặc 2 yến sào thô
- Đậu xanh: 150 gram
- Đường phèn: 3 muỗng cà phê
- Gừng tươi: một nhánh
Các bước nấu chè yến đậu xanh
Bước 1: Sơ chế tổ yến, nếu là tổ yến thô phải loại bỏ sạch lông. Ngâm tổ yến đã sơ chế vào nước khoảng 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ cho đến khi yến nở đều.
Bước 2: Ngâm đậu xanh trong nước lạnh 30 phút. Gừng tươi đem rửa, gọt sạch vỏ rồi giã nhỏ hoặc cắt lát tùy sở thích.
Bước 3: Cho yến vào nồi chưng cách thủy. Chưng yến trong khoảng 15 – 20 phút để yến vừa chín tới. Sợi yến có độ mềm dẻo, không quá nát. Nồi chưng phải có nắp để tránh nước bắn vào yến sẽ mất ngon. Để riêng phần yến này.
Bước 4: Lấy nồi khác đun sôi nước, vặn lửa nhỏ rồi cho đường phèn vào. Đến khi đường tan hết thì thêm đậu xanh vào ninh nhừ.
Bước 5: Cho phần yến đã chưng vào nồi đường phèn, đậu xanh rồi ninh thêm 10 – 15 phút. Sau đó cho thêm gừng tươi vào, đun thêm 5 phút rồi tắt bếp.
Cách nấu chè yến đậu xanh này là một cách chưng yến đơn giản và dễ nấu. Ai cũng có thể làm được. Khi chưng với đậu xanh, yến sẽ không có vị tanh. Sau khi nấu xong, có thể dùng nóng hay dùng lạnh tùy theo sở thích. Ngoài ra, bạn cũng có thể ăn kèm yến với hạt sen, táo đỏ, nhãn nhục, đông trùng hạ thảo. Hoặc một số loại nguyên liệu thanh đạm khác để tăng thêm hương vị, dưỡng chất cho món ăn.
Công dụng của chè yến đậu xanh
Yến sào là thực phẩm quý có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Trong yến sào có các hoạt chất sinh hoạt có thể cản trở vi rút cúm. Vì vậy mà từ xưa đây đã là món ăn dùng để bồi bổ khi bị ốm. Yến sào cũng có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, giúp cơ thể dễ hấp thu chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó nó còn làm chậm quá trình lão hóa, tốt cho thị lực,…
Theo Đông y yến sào có vị ngọt, tính bình có tác dụng bổ phế, tiêu đờm. Bên cạnh đó còn dưỡng âm, bổ thận, kiện tỳ dưỡng huyết, nhuận táo. Trong yến sào có chứa 45 – 55% protein không béo. Nó còn có hơn 18 loại axit amin cùng với 31 loại vitamin khoáng chất thiết yếu. Yến sào còn là loại thực phẩm phù hợp với nhiều lứa tuổi, đối tượng.
Trong khi đó thì đậu xanh có vị ngọt, tính mát. Nó thường được sử dụng để thanh nhiệt, giải độc, điều hòa ngũ tạng. Khi ăn bổ, mát và còn trừ được các bệnh nhiệt. Hạt đậu xanh rất tốt cho sức khỏe của tim mạch, dạ dày, lợi tiểu…
Trong đậu xanh có protid 23,4%, lipid 2,4%, glucid 53,10%, cellulose 4,7%, cùng các nguyên tố vi lượng Ca, P, Fe và các vitamin A, B1, B2, PP, C… Nó có tác dụng giải độc tốt, hàm lượng chất dinh dưỡng cao gấp 3 lần so với các loại ngũ cốc khác.
Khi kết hợp 2 loại thực phẩm này với nhau sẽ có tác dụng tăng cường sức khỏe, giải nhiệt, giải độc. Đây là món ăn vô cùng phù hợp trong những ngày hè nóng bức. Khi dùng món này sẽ cảm thấy an thần, tĩnh tâm, giúp ngủ sâu, đem lại cảm giác dễ chịu khi thức dậy.